Tăng huyết áp là gì? 2 nguyên nhân chính gây nên bệnh tăng huyết áp cần biết

Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Bệnh thường diễn tiến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng hoặc để lại gánh nặng tàn phế. Hãy cùng tìm hiểu các yếu tố nguy cơ thầm lặng có thể khiến huyết áp của bạn tăng cao để từ đó kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn nhé.

Tăng huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch. Huyết áp thường được biểu diễn dưới dạng 2 số:

  • Huyết áp tâm thu (số đầu tiên) hay còn gọi là huyết áp tối đa đại diện cho áp suất trong các mạch máu khi tim co bóp hoặc đập. Huyết áp tâm thu thường thay đổi tùy theo độ tuổi, thường từ 90 – 129mmHg.
  • Huyết áp tâm trương (số thứ hai) hay còn gọi là huyết áp tối thiểu đại diện cho áp suất trong mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập. Huyết áp tâm trương dao động trong khoảng từ 60 – 84 mmHg.

Tuy nhiên giới hạn huyết áp bình thường có thể thấp hơn ở trẻ em và cao hơn ở người cao tuổi. Tăng huyết áp là sự vượt quá giới hạn trên của chỉ số huyết áp, có thể tâm thu đơn độc, tâm trương đơn độc hoặc cả hai. Theo hội tim mạch châu Âu 2018 thì tăng huyết áp ở người lớn khi huyết áp tâm thu >= 140 mmHg và /hoặc huyết áp tâm trương >= 90mmHg. Mức huyết áp được xem là bình thường khi huyết áp tâm thu ở mức 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg.

Tăng huyết áp là gì? 2 nguyên nhân chính gây nên bệnh tăng huyết áp cần biết
Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch

Nguyên nhân gây nên tăng huyết áp

Tăng huyết áp nguyên phát hay còn gọi là vô căn, thường gặp (> 95%), không có nguyên nhân xác định nào gây ra tăng huyết áp. Đây là loại tăng huyết áp phổ biến có xu hướng phát triển trong nhiều năm.

Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường. Ngoài ra còn có các yếu tố khác dễ đưa đến mắc bệnh cao huyết áp như:

  • Thói quen ăn mặn (nhiều muối).
  • Hút thuốc lá.
  • Uống rượu bia nhiều.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Ít vận động thể lực.
  • Có nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.

Tăng huyết áp thứ phát

Là tăng huyết áp do một nguyên nhân cụ thể nào đó (chiếm tỷ lệ ít hơn 5%), loại tăng huyết áp này có xu xuất hiện đột ngột và gây ra huyết áp cao hơn so với tăng huyết áp nguyên phát. Một số tình trạng bệnh và thuốc khác nhau có thể dẫn đến tăng huyết áp thứ phát như sau:

  • Bệnh thận cấp tính hoặc mạn tính, hẹp động mạch thận …
  • Bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, cường aldosteron, hội chứng Cushing, cường giáp …
  • Bệnh tim mạch: Hẹp eo động mạch chủ.
  • Một số loại thuốc: Thuốc tránh thai, corticoid, NSAIDs,…
  • Nhiễm độc thai nghén, ngưng thở khi ngủ….
Tăng huyết áp là gì? 2 nguyên nhân chính gây nên bệnh tăng huyết áp cần biết
Đa phần tăng huyết áp thuộc vô căn hay nguyên phát, phần còn lại là tăng huyết áp thứ phát

Đối tượng có khả năng bị tăng huyết áp

  • Những người có thành viên trong gia đình bị cao huyết áp: tăng huyết áp có khả năng di truyền trong gia đình. Nếu ba mẹ hay người thân trong gia đình bạn bị tăng huyết áp, khả năng mắc bệnh của bạn sẽ cao.
  • Người hút thuốc: chính chất nicotin của thuốc lá gây hưng phấn thần kinh, thúc đẩy cường giao cảm, gây co mạch và tăng huyết áp.
  • Người Mỹ gốc Phi: người Mỹ gốc Phi có xu hướng bị tăng huyết áp nhiều hơn và mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn bởi vì họ nhạy cảm hơn với muối ăn.
  • Phụ nữ mang thai: tăng huyết áp thai kỳ, còn được gọi là tăng huyết áp do mang thai (PIH) là một bệnh lý thường xảy ra nhất trong thai kỳ.
  • Phụ nữ dùng thuốc tránh thai: sử dụng nhiều thuốc tránh thai sẽ làm bạn tăng huyết áp vì tác dụng phụ của nó.
  • Những người trên 35 tuổi: khi tuổi càng cao, thành mạch máu càng lão hóa và xơ cứng, giảm khả năng đàn hồi nên áp lực trong lòng mạch sẽ tăng lên. Từ đó, huyết áp ở người lớn tuổi sẽ cao hơn lúc còn trẻ.
  • Những người thừa cân hoặc béo phì: khi cân nặng càng cao thì cơ thể càng cần máu lưu thông nhiều hơn để cung cấp đủ oxy và năng lượng. Sự gia tăng dịch cơ thể khiến bạn có nguy cơ bị tăng huyết áp cũng như nhiều vấn đề về sức khỏe.
  • Những người không hoạt động: một lối sống ít vận động thể lực sẽ khiến bạn có nhịp tim cao hơn, áp lực đè lên thành động mạch nhiều hơn và nguy cơ béo phì rõ rệt hơn. Cả ba tình trạng đó đều góp phần không nhỏ khiến bạn dễ bị tăng huyết áp.
  • Những người uống rượu quá mức: thường xuyên sử dụng bia rượu quá mức làm nguy cơ tăng huyết áp tăng cao.
  • Những người ăn quá nhiều thức ăn giàu chất béo hoặc thức ăn có quá nhiều muối: Khi ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng lượng natri trong máu và phá hủy đi sự cân bằng của natri và kali, từ đó làm giảm khả năng lọc nước của thận. Điều này dẫn tới nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Thực đơn nhiều chất béo và chất béo bão hòa có thể làm suy yếu chức năng nội mạc mạch máu, hậu quả làm tăng huyết áp.
  • Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ​: ngưng thở khi ngủ khiến nhịp tim chậm và hạ huyết áp. Cơ thể lúc này sẽ phản ứng với tình trạng giảm đột ngột độ bão hòa oxy bằng những cơn thức giấc ngắn để bệnh nhân có thể thở trở lại giúp nhịp tim nhanh, gia tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là gì? 2 nguyên nhân chính gây nên bệnh tăng huyết áp cần biết
Hiện nay tăng huyết áp không chỉ xuất hiện ở người già mà tuổi thành niên hay trung niên cũng dễ có nguy mắc phải

Khi nào cần thăm khám bác sĩ

Tăng huyết áp cấp cứu xảy ra khi huyết áp đo được ≥ 180/120 mmHg kèm có kèm một trong các dấu hiệu sau như co giật, lừ đừ, nhìn mờ, nôn ói, hôn mê, khó thở, đau tức ngực dữ dội, khi đó thì người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

Kiểm tra huyết áp

Việc đo huyết áp tại nhà giúp kiểm soát sự tăng/giảm huyết áp để phòng tránh các nguy cơ tai biến do huyết áp gây ra. Dưới đây là hướng dẫn sử dụng cách đo huyết áp cổ tay và bắp tay.

Cách đo huyết áp bắp tay:

  • Quấn vòng bít vào cánh tay, đảm bảo khoảng cách từ mép vòng bít đến khuỷu tay là khoảng 1 – 2 cm.
  • Ngồi đo với tư thế thoải mái, thẳng lưng.
  • Gập tay kiểm tra xem vòng bít đã quấn đúng và thoải mái chưa.
  • Bật máy, chờ, đọc kết quả.
  • Tắt máy.

Cách đo huyết áp cổ tay:

  • Lồng vòng bít vào cổ tay, giữ khoảng cách 1 ngón tay giữa vòng bít và cổ tay.
  • Đặt cổ tay ở vị trí ngang tim.
  • Ngồi thoải mái, thẳng lưng.
  • Bật máy, chờ, đọc kết quả.
  • Tắt máy.
Tăng huyết áp là gì? 2 nguyên nhân chính gây nên bệnh tăng huyết áp cần biết
Đo huyết áp tại nhà giúp kiểm soát sự tăng/giảm huyết áp để phòng tránh các nguy cơ tai biến

Tham khảo một số bệnh viện uy tín

  • Tại thành phố Hà Nội: Bệnh viện 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Phòng khám Mediplus,…
  • Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, Bệnh viện Quận 4, Bệnh viện Quận 8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định,…

Hi vọng thông qua bài viết này chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tăng huyết áp cũng như những nguyên nhân tăng huyết áp tiềm tàng trong lối sống hàng ngày của chúng ta để cùng phòng ngừa và luôn khỏe mạnh. Hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng đọc nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé!

TIN LIÊN QUAN

Trả lời

Notify Me
  • No Features Are Available Right Now!
  • Convert Points into Coupons

    Conversion Rule: = 1 Point

Reward Reward